4 BÀI HỌC QUẢN TRỊ TỪ CHÙA BA VÀNG

tháng 3 27, 2019

Từ một ngôi chùa nhỏ khuất lấp trên núi Thành Đẳng, thành phố Uông Bí, chỉ trong 7 năm (2007-2014) dưới sự trụ trì của Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng đã phát triển rực rỡ, trở thành ngôi chùa có “chính điện lớn nhất Đông Dương”. Sự phát triển thần kỳ của ngôi chùa khẳng định tài năng lãnh đạo của thầy trụ trì Thích Trúc Thái Minh - người đã từng là giảng viên Đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội). Cách thầy vận hành ngôi chùa khiến cho nhiều CEO phải suy ngẫm, học hỏi.




1. Xây dựng và định vị thương hiệu

Chùa Ba Vàng tuy có lịch sử lâu đời (từ năm 1706) nhưng di vật để lại chỉ có một tấm bia, hai con rùa đá cũ kỹ, chữ đã mờ theo năm tháng, rất khó đọc. Ngôi chùa cũng không gắn liền với sự kiện lịch sử hay câu truyện truyền thuyết nào để có thể tuyên truyền tạo dấu ấn cho người dân. Vì vậy, thầy đã quyết tâm cải tạo chùa, thay đổi hình ảnh nhỏ bé, cũ kỹ và phải có được danh hiệu để tiện cho việc truyền thông. Năm 2014, chùa đạt được danh hiệu “ngôi chùa có chính điện lớn nhất Đông Dương” đã tạo tiền đề để tuyên truyền trên mọi nền tảng truyền thông (Website, Facebook, Youtube,…). Điều này đã tạo nhu cầu (ít nhất là vãn cảnh chùa) và niềm tin (chùa to mới thiêng) cho người dân đến nhang khói.




Để tạo sự đặc biệt và tăng tốc truyền thông, thầy còn sử dụng KOL trong marketing. Bản thân thầy cũng là một KOL có những trang mạng xã hội riêng cho mình. Hình ảnh và cuộc sống của thầy rất đặc biệt, khác nhiều với các sư ở miền bắc. Tuy thuộc trường phái bắc tông (đề cao sự giản dị, sử dụng tông màu trầm như nâu, xám, ghi…), thầy cùng toàn bộ sư trong chùa đều mặc tăng phục theo trường phái nam tông vàng rực rỡ (phật quang phổ chiếu). Cuộc sống của thầy cũng có nhiều điểm tương đồng, học tập theo Đức Phật Thích Ca khi thầy ngủ đất, tu trong rừng điều mà nhiều tăng sĩ không hề làm (hoặc không dám làm). Bên cạnh thầy, cô Phạm Thị Yến cũng được biết đến như một KOL trong cộng đồng với nhiều lần đăng đàn thuyết pháp. Tất cả những dữ liệu, hình ảnh và nội dung của chùa Ba Vàng, thầy Thích Trúc Thái Minh, cô Phạm Thị Yến đều được cập nhật trên mọi nền tảng mạng xã hội với sự đầu tư kĩ lưỡng, nhất quán để mọi đệ tử đều có thể truy cập dễ dàng.



2. Xây dựng sản phẩm

Bất kì ngôi chùa nào, người dân đều có thể thờ cúng, lễ phật. Vì vậy, để tạo sự điểm nhấn thì chùa Ba Vàng phải có sự khác biệt. Nhắc đến cúng sao giải hạn thì người dân nhớ ngay đến chùa Phúc Khánh, còn cầu tình duyên tất phải đến chùa Hà…Vậy chùa Ba Vàng cần chọn một hoạt động riêng biệt, không cạnh tranh những hoạt động cũ với các chùa đã có tiếng. Thỉnh “oan gia trái chủ” được lựa chọn vì đây là một hoạt động độc đáo, không cần nền tảng lịch sử, chi phí đầu tư ban đầu thấp mà quan trọng là chưa chùa nào nổi danh về hoạt động này (đại dương xanh).




Hiểu rõ giá trị lớn nhất của dịch vụ nằm ở giá trị vô hình, thầy đã xây dựng sản phẩm rất bài bản ngay từ ban đầu. Khái niệm “thỉnh oan gia trái chủ” được thầy cùng cô Yến đề cập và phổ biến trong rất nhiều bài giảng để tạo nhu cầu cho thị trường. Ngoài ra, những video, câu chuyện, tài liệu về lợi ích, hậu quả của thỉnh oan gia trái chủ, vong hồn báo oán, tội nghiệp tiền kiếp cũng được cung cấp, tuyên truyền miễn phí trên nhiều kênh truyền thông.

Về mặt trải nghiệm sản phẩm thì phải nói tuyệt vời. Khách thập phương đến chùa được gửi xe, ăn uống, đi vệ sinh miễn phí, khác hẳn so với nhiều ngôi chùa được coi là danh lam thắng cảnh. Hệ thống tri khách, quy trình đón tiếp đều được xây dựng cẩn thận. Thậm trí, đường dây nóng cũng được thiết lập để trả lời những thắc mắc của du khách thập phương. Trước khi được thỉnh vong, khách thập phương phải coi đi coi lại rất nhiều video về cảnh thỉnh vong, câu chuyện vong hồn báo oán. Sau đó, người xin thỉnh còn phải ký cam kết tự nguyện và không được mang bất kì phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng thỉnh vong để…đảm bảo linh nghiệm. Chính việc chờ đợi, tạo sự kỳ bí, quy trình nghiêm ngặt khiến lòng tin, trải nghiệm của tín chủ về dịch vụ được tăng cao. Mặt khác, chùa cũng sẽ tránh được những vấn đề về pháp lý và khủng hoảng truyền thông không cần thiết.



3. Hệ thống quản lý và văn hóa tổ chức bài bản

Hệ thống quản lý của chùa được xây dựng theo mô hình kim tự tháp với thầy Thích Trúc Thái Minh đứng đầu, bên dưới là các ban bệ kiểm soát những hoạt động khác nhau. Hệ thống được cấu trúc một cách rõ ràng, chỉ những người đệ tử có năng lực, niềm tin lớn vào thầy và chùa mới được hoạt động tại ban tri khách nơi điều hành hoạt động thỉnh oan gia trái chủ. Tuy hệ thống được cấu trúc nghiêm ngặt nhưng hoạt động quản trị lại vô cùng linh hoạt và thông suốt. Với những người lên làm công quả, chùa luôn có thể điều hành hoạt động, lo sinh hoạt cho khoảng 200-300 người một lúc. Điều đặc biệt là số lượng người làm công quả luôn bất định, thay đổi bất chợt tùy theo yêu cầu của từng cá nhân nhưng chùa vẫn có thể vận hành trơn tru trước sự biến động lớn về mặt nhân sự. Đây là một bài toán khó cho mọi tổ chức nếu không nắm vững được nguyên tắc quản trị dựa trên KSA (Knowledge, Skill & Attitude).




Văn hóa tổ chức của chùa Ba Vàng được xây dựng trên niềm tin tín ngưỡng Phật Giáo. Nhờ vậy, không có hiện tượng ma cũ bắt nạt ma mới, ganh ghét nhau…Nếu có, những hiềm khích cá nhân có thể dễ được gạt bỏ vì một mục đích chung của tổ chức - sống tốt đời đẹp đạo, hoành dương phật pháp, phổ độ chúng sinh. Chính văn hóa tổ chức giúp cho việc lưu trữ, truyền bá kiến thức, kinh nghiệm của tổ chức được dễ dàng, trải qua nhiều đời phật tử. Kinh nghiệm, kiến thức làm việc sẽ được những bậc tiền bối truyền thụ lớn cho thế hệ sau, đảm bảo luôn có một lớp kế tục công việc, sự nghiệp của những người đi trước. Hơn nữa, văn hóa tổ chức không chỉ được lan truyền trong tổ chức mà phải lan truyền ra ngoài cộng đồng. Phương thức chuyển khoản cho hoạt động thỉnh oản gia trái chủ được công khai trên mạng. Người chuyển khoản phải nhắn tin theo cú pháp chính xác và niệm một bài thỉnh khi gửi tin nhắn thông báo. Mọi thứ đều được quy chuẩn rõ ràng. Sự cẩu thả hay bất kính trong ngôn từ là không được phép cho trong bất kì hoạt động gì, kể cả chuyển khoản thanh toán.



4. Lãnh đạo trách nhiệm

Việc chùa Ba Vàng tổ chức buổi livestream ngay khi khủng hoảng vừa nổ ra thể hiện đẳng cấp trong việc xử lý khủng hoảng. Những nguyên tắc vàng trong xử lý khủng hoảng được tuân thủ chặt chẽ:

-Nhanh mà không loạn

-Lửa ở đâu thì dập ở đó

-Người có khả năng và trách nhiệm đứng ra xử lý

Thầy trụ trì Thích Trúc Thái Minh phải đứng ra đầu sóng vì thầy là người có trách nhiệm không thể chối cãi trong sự việc của chùa. Cô Yến đã nhiều lần giảng pháp tại chính điện của chùa nên thầy không thể coi như không biết, hoặc không liên quan. Nếu như buổi livestream đó do cô Yến đứng ra điều hành, sự thiếu uy tín, trình độ Phật học, không có chức sắc (thẩm quyền) trong chùa sẽ khiến khủng hoảng leo thang dưới sự tấn công của báo chí và dư luận. Thầy đã xử lý khéo léo khủng hoảng dưới hình thức như một bài giảng pháp (nắm thế chủ động), xin hoãn trả lời câu hỏi báo chí và tuyệt nhiên không để cô Yến-nguồn gốc của khủng hoảng xuất hiện.




Tóm lại, mỗi doanh nghiệp muốn phát triển lớn mạnh thì phải xây dựng chiến lược phát triển và thi hành một cách triệt để. Sự thống nhất, đồng bộ trong chiến lược kinh doanh, quản trị, nhân sự, marketing sẽ tạo sức bật lớn cho tổ chức để hoàn thành mục tiêu chung. Những điều này chỉ có thể được hiện thực hóa qua bàn tay của nhà lãnh đạo có tầm nhìn, hiểu biết và có trách nhiệm với tổ chức.

----------------

Nguồn: Vũ Minh Trường - NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison

---
Tiến Anh Trần

Liên hệ với tôi thế nào: http://bit.ly/ttakdol
Kinh doanh online cùng Tiến Anh Trần (trọn bộ): http://bit.ly/khoinghiepkdol


Xem nhiều

Next Article
« Prev Post
Previous Article
Next Post »

Không có nhận xét nào