Rất nhiều người để được người khác yêu mến, lo sợ sự ghét bỏ của đám đông mà cố gò mình vào cái khuôn cá tính sẵn có rồi chẳng bao giờ thoát ra nữa.
20 tuổi, tôi loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?". Chắc hẳn những năm đầu tuổi trẻ, cũng có nhiều người giống như tôi. Chúng tôi không biết mình là ai, phải làm gì và nên sống như thế nào. Ngoài kia, người ta vẫn rêu rao Hãy là chính mình, Tự tin khoe cá tính, rồi cả đừng cố gắng là bản sao của một ai đó, cứ là mình thôi. Nhưng tôi là ai mới được chứ? Cá tính của tôi là gì mới được chứ?
Bạn đã thay đổi rồi!
Bạn bè lâu ngày không gặp, chắc chắn sẽ nói với tôi rằng "Dạo này mày khác quá, không giống như ngày xưa nữa!" Tôi nhìn lại mình và hỏi ý họ là mái tóc ngắn cũn, quần bò rách và áo phông in họa tiết lòe loẹt á? Họ bảo, không hẳn, chỉ là họ cảm thấy tôi không còn là tôi nữa. Tôi không còn là cô bạn cấp 3 ít nói, chỉ biết chú tâm học hành. Không dừng ở đó, họ nói họ yêu thích con người tôi ngày xưa hơn. Giờ tôi giống như một người khác, giống một ai đó, họ cảm thấy xa cách. Họ khuyên tôi "Hãy là chính mình đi, đừng cố giống một ai đó nữa?"Tôi không còn là tôi nữa ư? Tôi không còn là chính mình ư? Tôi giống một ai đó? Điều đó nghe có vẻ điên rồ và kinh khủng với một đứa 20 tuổi khao khát khẳng định mình như tôi. Nhưng ngẫm lại, tôi nhận ra nhiều điều...
Những năm đầu đại học, tôi cũng sợ phải thay đổi. Tôi nghĩ mình sẽ mãi là đứa trầm tính, nhút nhát và suốt ngày ôm mấy cuốn sách dày cộm. Tôi sẽ trải qua 4 năm đại học lặng lẽ như vậy rồi tìm một công việc bình yên để làm. Vì trong suy nghĩ của tôi và những người xung quanh, tôi là điển hình cho người hướng nội, tôi đóng khung mình trong vẻ trầm tĩnh và sâu sắc.
Song vào một ngày như bao ngày, sự "nổi loạn" của tuổi 20 khiến tôi muốn thử những điều mới mẻ.
Tôi thử cắt đi mái tóc dài của mình, tôi thử mặc những chiếc quần jean cá tính thay vì những chiếc váy quen thuộc, tôi thử màu son sẫm thay vì màu đỏ san hô quen thuộc.
Và tôi hoàn toàn bị mê hoặc bởi những lần trải nghiệm những điều mới mẻ như vậy. Một cảm giác tuyệt cú mèo!
Tôi không cần và không thích đóng khung mình trong bất kỳ một phong cách cố định nào nữa. Nếu hôm nay tôi thức dậy và muốn mặc một chiếc váy điệu một chút, tôi sẽ mặc váy. Ngày mai, trời xanh và tôi muốn mặc quần yếm rách, tôi sẽ mặc quần yếm. Tôi chẳng có một gu ăn mặc cố định nào cả, tôi cũng không nghĩ đến việc phải gò mình vào một cái khuôn "bánh bèo", "cool ngầu" hay "hướng nội", "hướng ngoại" nào cả. Tôi đơn giản là chỉ muốn trải nghiệm, muốn thấy những "tôi" mới mẻ mỗi ngày.
Không chỉ chuyện quần áo, chuyện ăn uống hay các mối quan hệ của tôi cũng vậy. Tôi luôn muốn thử những món ăn mới, gặp những người bạn mới, đi du lịch đến những vùng đất mới. Cô bạn cùng phòng còn có lúc đã nghi ngờ liệu tôi có mắc hội chứng đa nhân cách không?!
Tôi hoàn toàn bình thường. Nhưng với người khác thì không hẳn vậy. Khi được hỏi phong cách của tôi là gì, gu thời trang của tôi như thế nào hay được đề nghị giới thiệu về bản thân, tôi thường không trả lời hoặc câu trả lời của tôi sẽ làm đa số người hỏi thất vọng. Họ mong muốn được nghe một câu trả lời cụ thể, họ muốn tôi cũng thể hiện ra giống như họ, tỏ ra rằng mình là một cá thể đặc biệt, có tính cách rõ ràng và thu hút. Còn tôi thường nói rằng tôi không biết, tôi đang trải nghiệm để tìm kiếm xem tôi thích gì.
Là chính mình - ảo ảnh của thời đại và khao khát trở nên đặc biệt
Tôi biết tại sao những lời đại ý như thà chết như một bản thể còn hơn là sống như một bản sao lại được người ta tôn sùng như vậy. Sự bùng nổ của cái tôi cá nhân bắt đầu ở thế kỉ XX và thống trị hoàn toàn thời đại của chúng ta ngày nay.
Tôi, và nhiều người trẻ như tôi phải chịu áp lực từ thành công của người khác ngày ngày được truyền thông ca ngợi, từ cuộc sống hoàn hảo và mang đậm bản sắc cá nhân của một blogger nổi danh trên mạng. Chúng tôi bị thúc ép phải khác biệt, phải để lại dấu ấn, phải được chú ý bằng mọi giá. Mỗi ngày là một cuộc chạy đua về sự nổi bật cá nhân và khao khát sự yêu thích của người khác. Chúng tôi cũng không thể cưỡng lại được hình ảnh một bạn trẻ phượt xuyên Việt với những phát ngôn chất, một thần tượng mới nổi với vẻ ngoài ngọt ngào, dễ thương. Tất cả những ngôi sao chúng ta nhìn thấy, họ đều có bản sắc, có chất riêng, họ đều là chính họ một cách hoàn ngay cả khi họ làm những hành động nhỏ nhặt trong vô thức.
Và vì vậy, chúng tôi không cho phép bản thân lu mờ. Chúng tôi phải gồng mình lên tìm cho mình một cá tính, chọn cho mình một phong cách và đóng khung bất di bất dịch tất cả để người khác nhận diện được tôi, để thế giới cảm thấy tôi đang "là chính mình". Cuối cùng chúng tôi "chết" trong những cái khung cá tính thô kệch và nực cười.
Rõ ràng, những gì mà nhiều người cho là "là chính mình" vốn chỉ là một ảo ảnh của thời đại mà chúng tôi đang sống – thời đại của những sự nổi tiếng ngắn hạn và dễ dãi.
Là chính mình - tâm lý ngại thay đổi
Người phương Đông chúng ta lớn lên với nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ. Sự định cư và mong muốn an ổn để canh tác khiến tổ tiên ta hiếm khi thay đổi. Tâm lý muốn yên ổn, ngại thay đổi ấy đã ngấm sâu trong tâm thức mỗi người. Dù thế nào, chúng ta cũng không thể chối bỏ nó, Chúng ta có thể dễ dàng thấy điều ấy khi bố mẹ lúc nào cũng muốn chúng ta có một công việc ổn định, có nơi ở cố định, có một mối quan hệ đi đến hôn nhân bền vững. Và ngay chính bản thân chúng ta, sâu trong tâm hồn đôi khi cũng muốn sống bình thường thôi, ổn định: làm mãi một công việc, mặc những chiếc áo đã quá nhàm chán, ăn những món ăn thân thuộc,...
Bởi thế, dù sao việc là một ai đó, là một kiểu người nào đó ấn định vẫn được đa số tán thành.
Là chính mình - nỗi sợ hãi bị lu mờ sau và một tâm hồn trống rỗng
Rất nhiều người để được người khác yêu mến, lo sợ sự ghét bỏ của đám đông mà cố gò mình vào cái khuôn cá tính sẵn có rồi chẳng bao giờ thoát ra nữa.
Tôi có biết một cô gái dù muốn một lần thử đôi giày cao gót lộng lẫy nhưng vì đã quen đeo giày bệt, giày thể thao, và quan trọng hơn là ngại ngùng ánh mắt của người khác khi thấy mình thay đổi nên lại thôi không thử nữa. Cô gái ấy tiếp tục đi những đôi giày quen thuộc, bước vào lối mòn tính cách và tiếp tục là "cô gái năng động, vui vẻ" trong mắt mọi người.
Cô ấy có muốn đi giày cao gót không, cô ấy có muốn mình trở nên quyến rũ, sang trọng thay vì năng động, vui vẻ không? Câu trả lời đều là có. Vậy tại sao cô ấy không thử? Vì cô ấy sợ. Cô ấy sợ chính sự đổi thay bên trong con người mình. Cô ấy nghĩ rằng, mình đã đi giày thể thao bao nhiêu lâu rồi, mọi chuyện vẫn tốt đẹp đấy thôi, mọi người vẫn yêu mến mình, phong cách của mình là trẻ trung, năng động cơ mà. Và cứ thể, cô ấy mua đôi giày cao gót về cất vào tủ, lặng lẽ ngắm, không mang đôi giày ấy một lần nào cả.
Nhiều người đang sống như vậy, sợ hãi người khác đánh giá nhưng lại tỏ ra phớt lờ tất cả "khoe cá tính".
Đằng sau những cá tính nổi bật, những cuộc sống hoàn mỹ đầy phong cách trên mạng xã hội là những tâm hồn trống rỗng, những cái tôi lo âu, những đứa trẻ buộc phải trưởng thành đang sợ hãi người khác phát hiện ra mình chẳng là ai cả.
Chúng tôi không hề biết rằng ngay khi tôi cố tỏ ra mình khác biệt thì cũng chính là lúc tôi bắt đầu giống số đông rồi!
Thế giới này không ngừng thay đổi. Chẳng phải chúng ta đã nghe đến thuộc lòng câu nói của Heraclitus "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" hay sao?
Con người cũng vậy. Bản chất của chúng ta là thay đổi. Chúng ta thay đổi từng giây từng phút trong đời. Sự thay đổi là quy luật, là sự tất yếu không thể chối bỏ. Ngày bé bạn thích mặc váy công chúa màu hồng không có nghĩa là lớn lên bạn cũng vẫn thích những bộ váy "bánh bèo" ấy nữa. Lớn lên bạn hoàn toàn có thể thích mặc đồ jean, theo phong cách rock,... Đó là điều hoàn toàn bình thường.
Chẳng ai là người "ít nói và nhút nhát" cả đời, chúng ta vẫn luôn có cơ hội để trở nên hoạt bát và tự tin.
Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Mọi người đều có thể thay đổi.
Chúng ta sống để không ngừng khám phá thế giới và khám phá chính mình. Con người hoàn toàn có thể trải nghiệm những điều mới mẻ, thử những thứ độc đáo và chẳng cần phải biết rõ cá tính của mình là gì.
Hãy là chính mình là lời khuyên nhảm nhí nhất mà tôi từng được nghe. Bạn chưa cần là một ai đó, một cá tính, một phong cách cố định nào cả.
Dũng cảm một chút, dám trở thành "người bình thường", "người tẻ nhạt", "người không có cá tính" để tận hưởng cuộc sống.
Khi gặp ai đó đừng nói rằng họ đã đổi thay rồi, đó là con người thật của họ đấy, chỉ có điều lúc quen ta, họ chưa khám phá ra điều đó ở bản thân thôi.
Không cần phải là chính mình, bạn không cần phải cá tính, phải phong cách để đám đông công nhận. Bạn sống để tạo nên mình chứ không phải là một cái khuôn sẵn có. Bạn phải thử thật nhiều thứ khác nhau thì mới biết mình thích gì, ghét gì.
Và lần tới nếu trên tivi có chiếu bộ phim tình cảm nào có cảnh chia tay và nam chính nói với cô gái họ từng yêu là "Em đã thay đổi rồi!" thì hãy chuyển kênh và tắt tivi.
Thật nhảm nhí phải không? Ai mà không đổi thay chứ!
Thảo Trần
Theo Trí Thức Trẻ
---
Tôi là ai? : http://bit.ly/tienanhtranlaai
Liên hệ với tôi thế nào: http://bit.ly/ttakdol
Kinh doanh online cùng Tiến Anh Trần (trọn bộ): http://bit.ly/khoinghiepkdol
Kinh doanh online cùng Tiến Anh Trần (trọn bộ): http://bit.ly/khoinghiepkdol